Giáo sư Lê Văn Thiêm là người có công hàng đầu trong việc xây dựng và phát triển các ngành khoa học cơ bản tự nhiên, đặc biệt là Toán học và ông đã có những đóng góp lớn trong gây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học cơ bản của nước nhà sau ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện tên ông đã đặt tên cho giải thưởng toán học Lê Văn Thiêm - một giải thưởng của Hội Toán học Việt Nam
Giáo sư Lê Văn Thiêm sinh ngày 29/3/1918 tại Trung Lễ (Đức Thọ). Làng Trung Lễ xưa, nay là một làng quê nghèo hiếu học của vùng đất Đức Thọ. Dòng họ Lê ở Trung Lễ là một gia tộc danh tiếng, có nhiều người đỗ giải nguyên như Lê Văn Tự, Lê Văn Huân, Lê Thước... Đặc biệt, ông Lê Văn Kỷ, anh cả của giáo sư Lê Văn Thiêm là một người kỳ lạ khi thi đỗ tiến sĩ Nho học năm 1919, nhưng rồi chuyển sang học tiếng Pháp, thi rất nhanh qua nhiều bậc học và cuối cùng tốt nghiệp trường Y Hà Nội, vào làm việc tại Quy Nhơn.
GS Lê Văn Thiêm và Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam khoá 1. Hoàng Tuỵ (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, thứ 3), Nguyễn Thúc Hào (Phó Chủ tịch, thứ 4), Lê Văn Thiêm (Chủ tịch, thứ 5), Nguyễn Cảnh Toàn (Phó Chủ tịch, thứ 6), Nguyễn Đình Trí (Uỷ viên Thường vụ, thứ 7)... (Hàng đầu từ trái sang). Ảnh bee.net
Là một thanh niên có tài năng khoa học xuất sắc, sau khi tốt nghiệp bậc trung học, Lê Văn Thiêm thi đậu vào trường Cao đẳng sư phạm Paris. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia tại Paris, ông sang Thụy Sĩ giảng dạy tại Đại học Zurich, nơi Albert Einstein thời trẻ đã từng theo học. Lúc đó, là người có học vị cao, có điều kiện để phát huy tài năng ở phương Tây, thế nhưng, người con của dòng họ Lê với tấm lòng yêu nước đã nhẹ nhàng từ bỏ tất cả để trở về Tổ quốc, chịu gian khổ cùng các đồng nghiệp ngành Toán học non trẻ của nước nhà.
Một năm sau, năm 1949, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông đã từ bỏ vị trí giảng dạy đầy triển vọng ở nước ngoài trở để về phục vụ Tổ quốc trong điều kiên cuộc kháng chiến gian lao, thiếu thốn đủ bề. Đây là quyết định đúng đắn và hết sức dũng cảm của một nhà tri thức yêu nước trong thời điểm lúc bấy giờ.
Cuối năm 1949, bằng số tiền dành dụm được sau mấy tháng dạy học, ông mua vé máy bay từ Paris đến Bangkok, sau khi từ chối một lời mời sang Mỹ làm việc với đồng lương hậu hĩnh. Từ Thái Lan, ông lội bộ xuyên rừng qua đất nước Campuchia đang bị quân Pháp chiếm đóng, đến bưng biền Nam bộ. Tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ thời thuộc Pháp, một số học sinh Việt Nam ưu tú sang Pháp du học như Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào... đã đến Pháp học Toán cao cấp, rồi trở thành những nhà toán học xuất sắc, về nước dạy Toán ở bậc trung học và đại học. Song, phải đến lúc Lê Văn Thiêm bảo vệ thành công Tiến sỹ Toán tại Pháp thì nước ta mới có nhà toán học thực thụ, nghĩa là người có công trình nghiên cứu Toán học đạt trình độ quốc tế. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ A ở Đức (1944), rồi luận án Tiến sĩ quốc gia về toán ở Pháp (1948) và cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm giáo sư Toán học và cơ học tại Đại học Zurich (Thuỵ Sĩ, 1949), một trường đại học lớn ở châu Âu, nơi thời trẻ Albert Einstein đã từng theo học.
Giáo sư Lê Văn Thiêm là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam trong suốt nhiều năm liền. Năm 1970, khi mới thành lập, Viện chỉ có 1 giáo sư, 3 tiến sĩ, 12 cử nhân.
Ngày nay, sau 40 năm phát triển, Viện đã có 83 nhà toán học, trong đó có 17 giáo sư, 15 phó giáo sư, hàng chục tiến sỹ khoa học. Các nhà toán học đã công bố trên 2.000 công trình, một số khá lớn trên các tạp chí toán học quốc tế hàng đầu; biên soạn nhiều sách chuyên khảo, trong đó có hàng chục cuốn được in tại các nhà xuất bản khoa học nổi tiếng như Springer-Verlag, World Scientific, Kluwer Academic Publishers, Pitman...
Giáo sư Lê Văn Thiêm là một nhà khoa học lớn của Việt Nam, là tác giả của nhiều công trình toán học xuất sắc. Ông đã công bố 20 công trình nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó có 2 sách chuyên khảo. Ông cùng các học trò của mình ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Toán học nghiên cứu bài toán nổ mìn nhằm phục vụ giao thông thời chiến và tham gia biên soạn tài liệu nổ mìn làm đường phục vụ quân đội.
Năm 1950, khi chưa về Hà Nội, từ chiến khu Việt Bắc, Chính phủ nước ta đã giao cho ông thành lập trường Đại học Khoa học cơ bản. Từ 1950-1954, ông là Hiệu trưởng của 2 trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp. Từ 1960 -1970, giáo sư Lê Văn Thiêm được cử làm ủy viên ủy ban Khoa học nhà nước kiêm Trưởng ban Khoa học cơ bản. Từ 1970-1980, ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam. Với cương vị của mình, ông đã có cống hiến to lớn vào việc xây dựng và phát triển Viện Toán học thành một trung tâm nghiên cứu toán học đầu ngành ở Việt Nam và góp phần làm cho Viện ngày càng có uy tín trên thế giới.
Từ năm 1956-1980, giáo sư Lê Văn Thiêm được cử làm Đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đúp-Na (Liên Xô), là người đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng và phát triển ngành năng lượng hạt nhân non trẻ của nước ta. Giáo sư Lê Văn Thiêm là một con người có đạo đức cao đẹp và trong sáng, một người thầy luôn dìu dắt và nâng đỡ thế hệ trẻ, một nhà khoa học tài năng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền toán học nước nhà. Nhiều học trò của ông đã trở thành các giáo sư tiến sĩ và các cán bộ chủ chốt của nhiều ngành khoa học tự nhiên.
Giáo sư Lê Văn Thiêm mất ngày 3/7/1991 tại TP Hồ Chí Minh, nơi ông đã sống và làm việc trong những năm cuối đời của mình. Thương tiếc ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi lời chia buồn đến người quả phụ: “Anh Lê Văn Thiêm qua đời càng làm nổi bật tầm vóc và sự cống hiến của nhà Toán học và người chiến sĩ cộng sản Lê Văn Thiêm. Đó là điều từ đáy lòng tôi muốn nói với chị và với hương hồn người đã khuất...”.