Phật đài Quan thế âm đã yên vị (Ảnh 1)
Hoà thượng Thích Hạnh Nhãn đang thuyết pháp cho các phật tử chùa Hoa Lâm (Ảnh 2)
TÓM TẮT LỊCH SỬ CHÙA HOA LÂM
( Trần Quốc Thường)
Chùa Hoa Lâm tự được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số: 1796/QĐ-UBND ngày 27/6/2008.
Chùa HOA LÂM là một ngôi chùa cổ, xuất hiện vào loại sớm nhất trên vùng đất nam Hoan châu ( Hà Tĩnh ngày nay). Hiện nay chưa có một nguồn tư liệu nào mang tính khoa học cao để có thể xác minh một cách chính xác, rõ ràng về sự hình thành và phát triển của ngôi chùa. Theo dân gian kể lại, chùa Hoa Lâm được công chúa Vương Mỹ Ngọc con gái vua Trần Trùng Quang dựng lên vào đầu thế kỷ XV,( khoảng 1409-1413) Là lúc vua cha cùng bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa đang xây dựng và chiến đấu bảo vệ kinh đô Bình Hồ ( tức Yên Hồ-Đức Thọ ngày nay). Khỏi vướng chân vua cha, góp phần mình vào cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược do Trương Phụ cẩm đầu. Công chúa Mỹ Ngọc đã vào đất Văn Lâm, thấy đất nơi đây có “thế rồng chầu hổ phục”, lòng dân yêu nước, mến khách bà liền tâu với vua cha cho xây một ngôi chùa thờ phật và đặt tên là Hoa Lâm tự. Ngày đêm công chúa và đám tuỳ tòng ăn chay, niệm phật cầu mong cho cuộc kháng chiến của vua cha giành thắng lợi. Đây cũng là cách thể hiện lòng yêu nước của công chúa lá ngọc cành vàng thuở ấy. Chùa có tên gọi là HOA LÂM TỰ bắt đầu có tên gọi từ đó. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng, vua tôi nhà Hậu Trần kẻ bị giết, người tự vẫn, kẻ bị bắt. Kinh đô Bình Hồ bị giặc Minh san phẳng, chùa Hoa Lâm cũng chung số phận.
Sau khi Lê Lợi giải phóng đất nước.(1428) Nhân dân Văn Lâm để tưởng nhớ công chúa Mĩ Ngọc, người góp công, kẻ góp của xây dựng lại ngôi chùa trên nền cũ, chưa khang trang nhưng là nơi để các thiện nam tín nữ trong vùng về thắp hương lễ phật.
Năm HỒNG ĐỨC thứ 10 (1470) trong lần đi đánh quân Chiêm Thành ca khúc khải hoàn trở về, vua Lê Thánh Tông đã cho dừng thuyền rồng lên đây để vãn cảnh, thắp hương lễ phật. Thấy cảnh chùa vắng vẻ, đìu hưu, đồ thờ ít ỏi, nhà vua động lòng trắc ẩn, nên đã xuống chiếu sức cho các quan lại địa phương huy động tiền của và nhân công trùng tu lại chùa. Nhân sự kiện đó nhân dân địa phương mới dâng sớ lên nhà vua xin đổi tên chùa thành “ HOA LÂM NGỰ TỰ”
Chùa Hoa Lâm hiện như một cù lao nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát, quanh năm xanh ngát bóng cây. Phía đông có một con sông nhỏ chạy quanh đứng xa trông như một dãy lụa uốn mình ôm lấy chùa, vị trí tọa lạc của chùa là nơi giáp ranh của bốn xã ( Đức Lâm, Đức Thanh, Đức Thủy, Đức Dũng) trên địa phận xóm 8 thôn Văn Lâm xã Đức Lâm- Đức Thọ- Hà Tĩnh.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Hoa Lâm đã đóng góp nhiều thành tích trong các thời kỳ kháng chiến kiến quốc. Trong những ngày đầu Đảng mới thành lập cùng với phong trào xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, chùa Hoa Lâm là nơi trú ẩn của một số đảng viên khi về đây nắm tình hình, truyền bá chủ nghĩa cộng sản và lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng. Ngoài ra cùng với Bến Ngự ( nơi vua Lê Thánh Tông cho dừng thuyền cạnh chùa) còn là nơi sinh hoạt văn hóa thường ngày của thanh, thiếu niên trong những năm trước đây. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhẳm đảm bảo giao thông thông suốt trên con đường huyết mạch 15A, một bộ phận của chùa cũng được huy động, góp phần vào thành tích chung đó khi xây dựng chùa Hoa Lâm. Theo các cụ cao niên kể lại chùa xưa có 2 tòa nhà đẹp đẽ uy nghi, chạm trổ nhiều họa tiết “ Rồng chầu, phượng múa” và cảnh sinh hoạt dân gian cùng hơn 150 pho tượng có giá trị. Song trải qua 600 năm với sự biến thiên của lịch sử, chiến tranh, thời gian đã hủy hoại….nên di tích phải trùng tu nhiều lần.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng thất bại năm 1414, để trả thù, xoá dấu tích của cuộc kháng chiến, giặc Minh đã tìm kiếm và đốt phá những gì liên quan đến nghĩa quân, trong đó có chùa Hoa Lâm. Sau đó nhân dân Văn Lâm dựng tạm một ngôi chùa nhỏ để thờ cúng ghi nhớ công chúa Mỹ Ngọc. Mãi đến 1470 vua Lê Thánh Tông xuống chiếu huy động quan dân địa phương đóng góp công sức và tiền của trùng tu lại chùa giống như cũ.
Vào năm 1886 chùa Hoa Lâm bị thực dân Pháp đốt cháy. Đến năm 1897 chùa được vua Thành Thái triều Nguyễn cho tu sửa lại.Năm 1931 phát hiện chùa là nơi liên lạc bí mật của tổng ủy cộng sản, kiêm trụ sở lãnh đạo phong trào Xô viết của tổng Văn Lâm, quân Pháp lại một lần nữa cho lính đốt phá làm chùa hư hỏng nặng. Sau này, nhân dân Đức Lâm và các địa phương phụ cận đã nhiều lần đóng góp công sức tu sửa lại, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ khôi phục lại được gian Thượng điện với một số pho tượng phật cổ. Đến năm 1995 Ni cô Nguyễn Thị Linh đã về trù trì tại chùa và đã cùng với đảng bộ, nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm đã đóng góp công sức tiền bạc để xây dựng thêm phần Hạ điện, xây dựng quy hoạch lại khuôn viên của chùa ngày một khang trang đẹp đẽ, thu hút được đông đảo các tín đồ hành hương về lễ phật cầu an. Ni cô Nguyễn Thị Linh là người đã đóng góp công lao lớn trong việc tu bổ ngôi chùa được như ngày hôm nay.
Năm 2011 nhà sư Thích Hạnh Nhẫn đã về làm lễ an vị tượng quan thế âm Bồ Tát trong khuôn viên nhà chùa. Đầu năm 2012 nhà sư ở chùa Am về làm lế thỉnh chuông, gióng trống cho chùa. Ban trị sự chùa Hoa Lâm hiện nay, được tổ chức chặt chẽ, tận tâm, họ đã có nhiều công lao tu bổ, tổ chức hành lễ, nên ngày càng nhiều thiện nam tín nữ về đây dự lễ.
Hy vọng nếu được sự quan tâm của chính quyền, các ban ngành đoàn thể và của chư phật tử, nhất định chùa Hoa Lâm Ngự tự sẽ ngày một khang trang, xứng đáng là địa điểm du lịch tâm linh của khách thập phương, nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Chùa Hoa Lâm thanh tịnh, nép mình dưới tán cây bồ đề xanh tươi. Nhìn từ xa chùa Hoa Lâm như một ốc đảo. Nơi đây thực sự đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân xã nhà và các địa phương lân cận. Mọi người ngày rằm, mồng một hàng tháng lại về đây thắp nén tâm nhang cầu mong mọi sự tốt lành.
Đến với Hoa Lâm Ngự tự trong khói hương trầm mặc, tiếng tụng kinh khoan nhặt, ta như thoát tục, thanh thản tâm hồn hơn. Ai chưa đến, hãy về thăm Hoa Lâm Ngự tự một lần, ăn bữa cơm chay thanh đạm với nhà chùa và các bạn hữu tăng ni phật tử, thưởng thức chút hương vị thiền thanh tao nơi cửa phật, để rồi được trút bỏ đi những bụi bặm còn vương trong chốn hồng trần.