4 trường hợp không có Sổ đỏ vẫn được sang tên 

Không có Sổ đỏ vẫn được sang tên là những trường hợp ngoại lệ khi chuyển nhượng, tặng cho nhà đất vì thông thường để chuyển nhượng, tặng cho hoặc thừa kế nhà đất phải có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ).

Sang tên Sổ đỏ là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là nhà đất).

2 trường hợp sang tên nhà ở không cần Sổ đỏ

Căn cứ khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, những giao dịch sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, gồm:

Trường hợp 1: Nhận thừa kế nhà ở

Theo khoản 2 Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014 được hướng dẫn tại khoản 8 Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, trường hợp nhận thừa kế thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận nhưng phải có giấy tờ theo quy định sau đây để chứng minh đủ điều kiện để tham gia giao dịch, cụ thể:

- Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện được tặng cho thì phải có văn bản hoặc hợp đồng tặng cho được lập hợp pháp kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho (nếu có).

- Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện mua, thuê mua thì phải có hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hợp pháp kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở hoặc chứng minh việc đầu tư xây dựng nhà ở của bên bán, bên cho thuê mua.

- Nếu thừa kế nhà ở thuộc diện đầu tư xây dựng mới thì phải có giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng) và giấy tờ chứng minh có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai của bên để thừa kế.- Nếu thừa kế nhà ở theo quyết định của Tòa án nhân dân thì phải có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp 2: Bán nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014

- Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.

- Mặc dù không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận nhưng phải có hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua nhà ở ký với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội kèm theo biên bản bàn giao nhà ở và giấy tờ chứng minh đã thanh toán hết tiền mua hoặc tiền thuê mua nhà ở cho chủ đầu tư.

2 trường hợp đối với quyền sử dụng đất

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất của mình cho người khác phải có Giấy chứng nhận, trừ 02 trường hợp:

Trường hợp 1: Theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013

Khi tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

Trường hợp 2: Nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013

Khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo quy định Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, chỉ cần đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất là di sản thừa kế mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận.

Trên đây là 04 trường hợp nhà đất không có Sổ đỏ vẫn được sang tên. Ngoài ra, người dân cần lưu ý trong trường hợp quyền sử dụng đất không có Sổ đỏ vẫn được chia thừa kế.

Theo Luật Việt Nam

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
     Bình chọn
    Thống kê: 146.142
    Online: 3